Francis Scott Key Fitzgerald (24 tháng 9 năm 1896 – 21 tháng 12 năm 1940) là một nhà văn Mỹ, nổi tiếng với các tác phẩm về “thời đại nhạc Jazz”. Ông sinh ra trong một gia đình gốc Ireland Công giáo. Năm 1913 Fitzgerald vào Đại học Princeton nhưng sắp tốt nghiệp thì bỏ học vào lính. Thời gian phục vụ trong quân đội Fitzgerald bắt đầu viết cuốn tiểu thuyết đầu tiên This Side of Paradise (Phía bên kia địa đàng, 1920). Sau khi xuất bản cuốn tiểu thuyết này Fitzgerald cưới vợ và bắt đầu nổi tiếng. Cũng trong thời gian này ông in tập truyện ngắn đầu tay Flappers and Philosophers (Những cô nàng và những triết gia, 1920). Tiểu thuyết thứ hai The Beautiful and Damned (Đẹp và đáng nguyền rủa, 1922) kể về cuộc hôn nhân khổ sở của hai con người tài năng và quyến rũ. Năm 1923 ông viết và dựng vở kịch Vegatable (Rau cỏ, 1923) bị thua lỗ nhưng sau đó viết tiểu thuyết The Great Gatsby (Đại gia Gatsby, 1925) được giới phê bình đánh giá là kiệt tác, là một trong những tiểu thuyết hay nhất nước Mỹ.
Tuân thủ nguyên tắc của “thế hệ lạc loài” (The Lost Generation), Fitzgerald sang sống ở châu Âu (Ý) nhưng hôn nhân tan vỡ, đời sống riêng suy sụp, vợ mắc bệnh tâm thần còn ông là người nghiện rượu. Tiểu thuyết Tender is the Night (Đêm dịu dàng, 1934) là sự thể hiện lối thoát về châu Âu. Tập truyện Top at Reveille (Tín hiệu thức tỉnh, 1935) là những thổ lộ tâm can của nhà văn về sự đổ vỡ. Cũng giống như nhân vật chính của truyện Crazy Sunday (Ngày chủ nhật cuồng điên) trong tập trên, Fitzgerald quay trở về Hollywood trong tâm trạng thất vọng và bệnh hoạn. Ông mất ngày 21 tháng 12 năm 1940, để lại một cuốn tiểu thuyết đang viết dở The Last Tycoon (Trùm tư bản cuối cùng, 1941).
Sau Chiến tranh thế giới thứ hai người ta đua nhau tìm đọc tác phẩm của Fitzgerald. Năm 1945 nhà văn và nhà phê bình Edmund Wilson tập hợp những bài viết lẻ, những hồi ức, thư từ của Fitzgerald thành một tập sách có tựa đề The Crack-Up (Sụp đổ). Rất nhiều nhà văn nổi tiếng viết về Fitzgerald, Ernest Hemingway có một liên hệ phức tạp với Fitzgerald qua nhiều năm và đã viết về Fitzgerald trong nhiều tác phẩm.
Tiểu sử
Cha ông, Edward, là chủ một doanh nghiệp nhỏ. Mẹ ông, bà Mollie McQuillan, là con gái trong một gia đình nhập cư người Ireland làm giàu bằng nghề buôn thực phẩm. Nhờ gia đình McQuillan mà gia đình Fitzgerald sống khá sung túc ở vùng Summit Avenue, vốn được xem là nơi hội tụ của các hộ giàu kếch sù khác. Tuy nhà ông sống chỉ cách khu nhà giàu có vài căn nhưng gia đình ông chưa bao giờ được xếp vào cùng đẳng cấp với họ.
Thời trẻ, Scott Fitzgerald kết giao nhiều với con cái giới thượng lưu. Năm 1908, ông vào học trường St. Paul Academy và đạt kết quả xuất sắc trong lĩnh vực tranh luận và thể thao. Năm 1909, tác phẩm The Mystery of the Raymond Mortgage (Bí ẩn nhà Raymond) được đăng trên tạp chí Now & Then của St. Paul Academy. Ngoài ra, ông còn sáng tác một số vở kịch và truyện ngắn trong các hoạt động ở trường.
Năm 1911, để nâng cao kết quả học tập, ông được cha mẹ gửi vào trường Newman ở Hackensack, New Jersey. Tại đây ông đã gặp Cha Sigourney Fay, người đã tạo cảm hứng và động viên ông theo đuổi nghề viết. Từ đó ông đã có ba truyện được xuất bản trong tạp chí văn học Newman.
Năm 1913, Fitzgerald vào Đại học Princeton và trở thành một trong số ít các học sinh Công giáo tại đây. Giai đoạn này ông cũng không được liệt vào hàng sinh viên ưu tú nhưng sự nghiệp viết văn có tiến triển nhiều hơn, đóng góp khá nhiều cho các ấn bản của Princeton. Năm 1917, ông tham gia quân đội, được thăng đến chức trung uý bộ binh. Ông vẫn tiếp tục viết, nhưng tác phẩm The Romantic Egotist (Tên tự tôn mơ mộng) của ông bị nhà xuất bản Charles Scribner’s Sons từ chối và yêu cầu viết lại.
Cuộc đời ông rẽ sang bước ngoặt lớn vào tuổi 22, khi ông đem lòng yêu Zelda Sayre, con út của thẩm phán tòa án tối cao Alabama. Ông này phản đối hôn nhân giữa hai người, buộc Scott phải làm thế nào để đủ tài chánh chu toàn cho con gái ông thì lúc đó ông mới chịu gả. Năm 1919, Fitzgerald chuyển đến New York và làm việc cho một công ty quảng cáo, nuôi hy vọng kiếm được tiền để có được Zelda. Thế nhưng đến tháng 6/1919 Zelda đã chán cảnh đợi chờ và hủy hôn ước. Thời gian này Fitzgerald viết lại The Romantic Egotist và đã được tổng biên tập Maxwell Perkins của Scribner chấp thuận cho xuất bản. Một tuần ngay sau đó, Scott và Zelda tổ chức hôn lễ tại New York, cặp đôi nhanh chóng trở thành tâm điểm chú ý của công chúng và được xem như biểu tượng cho phong cách sống thập kỷ 1920.
Cả hai cùng nhau du lịch châu Âu khá nhiều, đặc biệt là nước Pháp. Tuy nhiên về sau cuộc sống gia đình giữa hai người không thực sự hạnh phúc. Cả hai đều lún sâu vào bia rượu, còn tài chính không còn dồi dào và ổn định để chu cấp cho mức sống xa hoa của hai người. Mặc dù This Side of Paradise (Phía bên kia địa đàng) đem lại lợi tức khá lớn nhưng các tác phẩm sau đó lại không mấy thành công. Vì thế Scott đã phải dồn tâm sức viết truyện ngắn gửi đăng cho nhiều loại tạp chí.
Một tai hoạ khác cho hôn nhân của hai người là Zelda mắc bệnh tâm thần và đột quỵ 3 lần trong khoảng từ năm 1930 đến 1934, phải chữa trị đặc biệt tại Pháp và Thụy Sĩ, rồi nhập viện ở Mỹ, đến 1948 thì cô mất tại bệnh viện. Căn bệnh của Zelda đòi hỏi Scott phải ra sức chăm sóc về tinh thần lẫn tài chính trong khi ông không thể đáp ứng đủ, và cặp vợ chồng rơi vào cảnh nợ nần. Đến gần cuối đời, Scott phải lòng một nhà bình luận phim, Sheilah Graham, và có những năm tháng hoạt động sáng tạo trở lại cho đến khi ông mất ở tuổi 44.
Tác phẩm tiêu biểu
- This Side of Paradise (Bên này địa đàng, 1920)
- Flappers and Philosophers (Những cô nàng và những triết gia, 1920)
- The Beautiful and Damned (Đẹp và đáng nguyền rủa, 1922)
- Vegatable (Rau cỏ, 1923)
- The Great Gasby (Đại gia Gatsby, 1925)
- Tender is the Night (Đêm dịu dàng, 1934)
- Top at Reveille (Tín hiệu thức tỉnh, 1935)
- The Last Tycoon (Trùm tư bản cuối cùng, 1941)
- The Crack-Up (Sụp đổ, 1945)